Email công sở chiếm đến 55% lượng email được gửi đi trên toàn thế giới trong
một ngày trong năm 2014 – tức trung bình mỗi người chúng ta gửi và nhận 121
email mỗi ngày.
Với số lượng gửi, nhận nhiều tới vậy, không có gì ngạc nhiên là chúng ta
thường phạm sai lầm trong email.
Từ những dòng tiêu đề gây khó hiểu cho đến sử dụng biểu tượng mặt cười
không phù hợp, nhiều nhân viên văn phòng còn phải học hỏi rất nhiều mới có thể
đạt kỹ năng soạn thảo tốt những email chuyên nghiệp.
Tạp chí Harvard Business Review (HBR) đã thấy được sự ức chế mà chúng ta đều
gặp phải trong việc viết email và soạn cẩm nang hướng dẫn để giúp chúng ta
viết email tốt hơn.
Bám sát chủ đề
Chủ đề / tiêu đề của email nên súc tích và mang tính miêu tả cao, nhấn mạnh
vào việc cần phải có hành động gì hay không, HBR giải thích.
Nếu dòng tiêu đề có ý nghĩa quan trọng trong việc khiến cho người đọc chú ý
thì font chữ cũng hết sức quan trọng để thu hút sự quan tâm của người đọc.
Dùng những phong chữ tươm tất, dễ đọc như Arial, Helvetica và Verdana với
màu tối – HBR gợi ý không nên dùng quá ba font chữ trong một email.
Tỏ vẻ dễ mến
Các biểu tượng mặt cười chỉ được chấp nhận trong các email công việc khi
mà người nhận email của bạn cũng sử dụng chúng.
Lỗi đánh máy không phải là chuyện quá nghiêm trọng.
Theo HBR thì các quản lý cấp cao có thể sử dụng lỗi đánh máy như một chiến
lược khôn ngoan, nhằm tỏ ra chân thực và không khiến cho email có vẻ như là bạn
phải luôn cẩn thận từng câu chữ.
Tuy nhiên, ranh giới giữa việc chuyển tải cảm xúc chân thực và việc thiếu
chuyên nghiệp rất mong manh – do đó bạn cần cân nhắc cẩn thận trước khi để
một lỗi đánh máy có chủ ý.
Kỹ lưỡng về ngữ pháp
Khi phải gửi đến email thứ 27 trong một buổi sáng thì bạn rất dễ bỏ qua dấu
chấm câu hoặc quên không viết hoa những chữ cần thiết.
Đó là điều nên tránh.
Hãy dành một chút thời gian để trau chuốt cả những thứ tiểu tiết. Điều này
sẽ giúp người đọc mất ít công sức hơn và bạn sẽ không phải mất thêm thời gian
giải thích điều bạn muốn nói.
Để tránh làm cho người đọc thấy bực mình khó chịu, hãy viết email ngắn gọn
và súc tích. Một số chuyên gia gợi ý rằng nên giữ độ dài của email trong một
màn hình mà không phải kéo xuống.
Ngay cả trong những email ngắn, đừng dùng chữ to.
Hãy đánh dấu những ý quan trọng và dùng cách ngắt câu, xuống dòng một cách
thoải mái.
Điều quan trọng nhất là phải diễn đạt một cách rõ ràng và trực tiếp để giúp
tiết kiệm thời gian của người khác.
Cân nhắc kỹ trước khi gửi
Trước khi nhấn nút ‘gửi’, hãy kiểm tra lại một lần nữa để đảm bảo rằng
những người mà bạn định gửi email này thực sự cần phải nhận nó.
Chỉ gửi kèm thêm cho người khác khi cần thiết nhưng đừng giấu địa chỉ của họ
trừ phi bạn biết chắc rằng nên làm làm như vậy nếu không bạn sẽ bị mang tiếng
là vô ý tứ, HBR viết.
Mặc dù email thường là cách thức giao tiếp đáng tin cậy, bạn cũng cần nhớ
rằng đôi khi nói chuyện trực tiếp hay bắt điện thoại lên để gọi vẫn là cách
tốt nhất.
Nếu có sự xung đột gì đấy hay có tin xấu, email có thể bị diễn giải khác
với ý định của người gửi tùy vào tâm trạng của người nhận.
Trong những trường hợp như vậy, gặp mặt trực tiếp hay nói chuyện qua
điện thoại hay qua Skype thường là cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng.
Suy cho cùng, chúng ta thường có xu hướng lịch sự và thông cảm khi nói
chuyện trực tiếp với người khác hơn là khi diễn đạt bằng những ký tự trên màn
hình máy tính.
Bản
tiếng Anh bài này đã đăng trên BBC
Capital.