Dành cho quảng cáo
Chi tiết

 

Bộ luật lao động 2012 đã chính thức công nhận giúp việc gia đình là một nghề, gia đình thuê người giúp việc được coi là người sử dụng lao động. Do đó, việc thuê và sử dụng lao động phải tuân thủ Bộ luật lao động 2012, như ký hợp đồng lao động; bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; đăng ký hợp đồng; thời giờ làm việc thời giờ nghỉ ngơi….. Nếu không tuân thủ có thể bị xử phạt theo Nghị định 95/2013/NĐ-CP.

Bạn nên lưu ý một số qui định khi soạn thảo, ký kết hợp đồng với người giúp việc:

A. Theo quy định tại Điều 179, Bộ luật Lao động 2012:

1. Lao động - người giúp việc gia đình - là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

2. Người làm các công việc giúp việc gia đình theo hình thức KHOÁN VIỆC thì không thuộc đối tượng áp dụng của qui định lao động giúp việc gia đình.

B. Theo qui định Điều 180, Bộ luật Lao động 2012 - Hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình:

1. Người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc gia đình.

2. Thời hạn của hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình do hai bên thoả thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước 15 ngày.

3. Hai bên thỏa thuận, ghi rõ trong hợp đồng lao động về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hằng ngày, chỗ ở…..

Theo đó, mức tiền lương của người giúp việc (bao gồm cả chi phí ăn, ở của người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động nếu có) do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng; trong đó chi phí ăn, ở hàng tháng của người giúp việc (nếu có) không được vượt 50% mức tiền lương.

người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế theo quy định. Đồng thời nếu yêu cầu làm việc thời gian ngoài hợp đồng lao động, ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương thì người sử dụng lao động cũng phải trả tiền làm thêm ngoài giờ theo quy định tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2012.

Trong trường hợp người giúp việc làm hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản thì người sử dụng lao động có quyền khấu trừ tiền lương. Tuy nhiên, với người không sống cùng chủ thì mức khấu trừ không quá 30% mức tiền lương hàng tháng. Với người giúp việc sống cùng người sử dụng lao động thì mức khấu trừ không quá 60% mức lương còn lại sau khi trừ đi chi phí ăn, ở hàng tháng nếu có.

Nghị định này cũng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi với người chưa thành niên... Chẳng hạn, người giúp việc phải được nghỉ mỗi ngày ít nhất 8 giờ, trong đó có 6 giờ nghỉ liên tục; mỗi năm được nghỉ 12 ngày hưởng nguyên lương nếu làm việc đủ 12 tháng.

Bên cạnh đó, người giúp việc phải báo trước 15 ngày khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Một số trường hợp cá biệt như ốm đau, tai nạn, không được trả lương đúng kỳ hạn thì có thể báo trước 3 ngày hoặc thậm chí không phải báo trong một số trường hợp đặc biệt.     

C. Nghĩa vụ của các bên theo quy định tại Điều 181, Điều 182, Điều 183, Bộ luật Lao động 2012:

1. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

- Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động tự lo bảo hiểm.

- Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

- Bố trí chỗ ăn, ở sạch sẽ, hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình, nếu có thỏa thuận.

- Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề.

- Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc gia đình chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn.

- Thông báo cho UBND xã/phường/thị trấn biết việc sử dụng lao động giúp việc gia đình theo Khoản 4 Điều 5 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP.

2. Nghĩa vụ của lao động là người giúp việc gia đình:

- Thực hiện đầy đủ thỏa thuận mà hai bên đã ký kết trong hợp đồng lao động.

- Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.

- Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về những khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.

- Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có những hành vi khác vi phạm pháp luật.

3. Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

 

Trên đây là một số lưu ý khi soạn thảo, ký kết soạn hợp đồng với người giúp việc gia đình. Tìm hiểu chi tiết hơn tại Nghị định số 27/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 07/04/2014 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình.

Thực tế quan hệ này khá phức tạp, hợp đồng thuộc loại đặc thù đòi hỏi phải hiểu biết chuyên sâu thì mới hạn chế tranh chấp hoặc bị xử lý vi phạm hành chính do ký thỏa thuận không tuân thủ pháp luật. Anh chị có thể tham khảo mẫu và cách thức sử dụng Hợp đồng thuê giúp việc gia đình trên website www.tracuuvanban.com hoặc nhờ chuyên gia tư vấn.

Chúc thành công.

 

Tư vấn luật trực tuyến
DỰ ÁN HỖ TRỢ HOÀN THIỆN MẪU VĂN BẢN QUỐC GIA - © 2011 SEALAW - ĐKHĐ: 01030256/TP/ĐKHĐ
Trụ sở : số 76 Cù Chính Lan, Thanh Xuân, Hà Nội /// www.tracuuvanban.vn /// Email: luatsudongnama@gmail.com
Điện thoại: (+84) 024.35656858 - Hotline: 090.227.8899, nhắn tin SMS nếu cần gấp
Tìm chúng tôi trên Google: mẫu hợp đồng, mau hop dong, mẫu văn bản, mau van ban